Sau 4 tháng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ đã huy động được hơn 50% kế hoạch năm, bù đắp bội chi ngân sách và đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển cho năm 2016.

Trong báo cáo công tác tháng 4 và triển khai chương trình tháng 5/2016 vừa được Bộ Tài chính công bố chiều nay, tính đến ngày 6/5, Việt Nam đã thực hiện phát hành được gần 111.791 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển. Con số này đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển năm 2016.

thu-gan-111791-ty-dong-tu-trai-phieu-chinh-phu

Huy động trái phiếu Chính phủ sau 4 tháng đã vượt 50% kế hoạch năm. 

Năm 2016, kế hoạch phát hành tổng trái phiếu Chính phủ là 220.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn ngắn 3-5 năm vẫn chiếm đa số với khối lượng lần lượt là 60.000 tỷ và 100.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu 4 tháng đầu năm ước đạt 317.000 tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi chi ra hơn 370.000 tỷ đồng. Do đó, bội chi ngân sách trong 4 tháng qua là trên 53.000 tỷ đồng. Với số tiền huy động khả quan từ phát hành trái phiếu Chính phủ đã giúp bồi đắp phần nào cho sự bội chi này. 

Trong năm 2015, thị trường trái phiếu Chính phủ đã đạt được bước phát triển khá ấn tượng cả về huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và giao dịch thứ cấp. Mặt bằng chung lãi suất huy động giảm từ 6,54% năm 2014 xuống 6,23% năm 2015, cơ cấu nhà đầu tư có cải thiện khi các quỹ bảo hiểm, đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường; thanh khoản tăng nhẹ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 3.656 tỷ đồng.

Năm nay, Bộ Tài chính đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường trái phiếu gồm: tiếp tục huy động vốn hiệu quả cho ngân sách, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ trong việc cơ cấu lại nợ trong nước bằng việc tiếp tục phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm 30%, các kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 70%, tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, kỳ hạn phát hành, chuẩn bị đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho rằng, để giảm áp lực lãi suất trung và dài hạn, Chính phủ nên điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu và siết chặt quản lý chi tiêu công.

Bởi theo ông Hà, hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn là những thành viên chủ yếu tham gia mua trái phiếu trên thị trường. Do đó, ông cho rằng cần giảm khoảng 10% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ hỗ trợ cho ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay.

                                                                                                                                       Nguồn:vnexpress.net