Offshore nghĩa là ở nước ngoài. Nó thường liên quan đến các việc quản lý, đăng ký, hoạt động tại một quốc gia khác, nhằm đạt mục đích tài chính, luật pháp và lợi thuế.
Việc thành lập và sử dụng các công ty này không phải là phi pháp. Ví dụ, công ty A muốn chuyển sản xuất từ Mỹ sang một quốc gia nhỏ ở Caribbean. Mục đích của họ có thể rất hợp pháp. Đó là nếu chuyển sang nước ngoài, họ có thể trả thuế thấp hơn, và đầu tư số tiền tiết kiệm được vào phát triển doanh nghiệp.
Bạn có thể thành lập công ty ở nước ngoài với cùng mục đích như ở quê nhà vậy. Chúng được sử dụng để điều hành việc kinh doanh tại một nước khác, hoặc tách riêng ngành kinh doanh chính tại quê nhà với mảng ở nước ngoài.
Nó cũng có thể làm lợi cho cả những người bình thường, như giúp giữ tài sản ở nước khác. Ví dụ, trong một số trường hợp, nếu một người Mỹ muốn mua và đứng tên một bất động sản ở Mexico, anh ta sẽ phải thông qua một quỹ tại đây. Nhiều nước khác cũng áp đặt lệnh hạn chế tương tự với việc sở hữu bất động sản của người ngoại quốc, khiến bạn phải sử dụng một thực thể nước ngoài.
Thành lập công ty nước ngoài (offshore company) không phải là hoạt động phi pháp. Ảnh: OFC |
Người ta cũng có thể dùng công ty nước ngoài để tối thiểu hóa các thủ tục di chúc. Sở hữu một tài sản ở nước ngoài cũng có nghĩa khi bạn qua đời, việc thừa kế sẽ giải quyết theo luật pháp nước đó. Trong một số trường hợp, nó sẽ giúp loại bớt các điều luật không theo ý của bạn. Còn với những người sở hữu nhiều bất động sản ở nhiều quốc gia, việc sử dụng cấu trúc công ty mẹ ở nước ngoài chỉ là một chiến lược quản lý mà thôi.
Mở công ty ở nước ngoài cũng là cách bảo vệ tài sản khá hữu hiệu. Đặt danh mục đầu tư tại một công ty trách nhiệm hữu hạn ở nước ngoài chưa chắc giúp bạn thay đổi được thuế phải nộp. Tuy nhiên, nó sẽ là rào cản để bạn tránh được các vụ kiện tụng liên quan đến tài sản.
Cuối cùng, bạn có thể không quan tâm đến bảo vệ tài sản. Nhưng đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài cũng là lựa chọn hấp dẫn. Thành lập một thực thể ở nước ngoài có thể hỗ trợ việc này.
Phần lớn các nhân viên môi giới chứng khoán và quỹ không chấp nhận người Mỹ làm nhà đầu tư, do e ngại các quy định của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Tuy nhiên, họ sẽ chấp nhận các công ty nước ngoài do người Mỹ sở hữu. Cấu trúc này sẽ giúp các công ty môi giới tuân thủ đúng quy định tài chính, đồng thời cho phép khách hàng của họ tiếp cận cơ hội đầu tư lớn hơn.
Tuy nhiên, các công ty nước ngoài có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm pháp. Công ty này có thể cố tính muốn trốn thuế, rửa tiền kiếm được từ các hoạt động phi pháp, hoặc giúp khách hàng mở các tài khoản ngân hàng bí mật để né thuế trong nước.
Ranh giới giữa được giảm thuế hợp pháp và trốn thuế rất khó phân định, đặc biệt trong trường hợp không thể tiếp cận đầy đủ thông tin tài chính. Các công ty nước ngoài trên giấy (offshore shell company) ra đời càng làm nhòe thêm ranh giới này.
Trong vụ Hồ sơ Panama, hãng luật Mossack Fonseca đã thành lập hơn 100.000 công ty nước ngoài, dưới dạng các quỹ (trust) hay công ty trên giấy (shell company), trong giai đoạn 2005–2015. Từ trụ sở ở Panama City, công ty này đã tạo ra hàng loạt công ty không rõ danh tính tại Panama, British Virgin Islands và nhiều thiên đường thuế khác. Những nơi này hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Họ còn có quy định công bố thông tin rất lỏng lẻo, biến mình thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngầm, như né thuế hay rửa tiền.
Mossack Fonseca khẳng định họ tuân thủ đúng pháp luật và luôn nắm vững các quy định về nhận diện khách hàng. Tuy nhiên, danh sách khách hàng của hãng này do Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố lại cho thấy rất nhiều người có tiền sử rắc rối với pháp luật. Trong đó có một nhân viên tài chính bị kết án tù năm 2002 vì lừa đảo và 6 người Mỹ từng bị kiện vì điều hành mô hình kim tự tháp Ponzi.
Báo cáo cho rằng theo các tài liệu rò rỉ, "mô hình hoạt động khổng lồ của Mossack Fonseca khiến hãng rất khó theo sát tiểu sử và hoạt động của các khách hàng. Bên cạnh đó, việc Mossack Fonseca làm ăn với những người có sai phạm về tài chính cũng làm dấy lên câu hỏi hãng này cam kết tuân thủ chuẩn mực quốc tế đến mức nào, trong việc chống rửa tiền và giữ các công ty nước ngoài tránh xa tầm với của hoạt động tội phạm".
( Nguồn:Vnexpress.net)