Kết thúc năm tài chính 2015, nhiều doanh nghiệp bất ngờ dành gần hết lợi nhuận thu được chia cho cổ đông, trong đó, tỷ lệ chia cổ tức ở mức 60-100% khá phổ biến, thậm chí có đơn vị còn chia tới 200%.

Kết thúc năm tài chính 2015, tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán HOSE, HNX và UpCOM có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp đã thoát khỏi thời kỳ khó khăn sau tái cơ cấu, lợi nhuận của đa phần các doanh nghiệp có tăng hơn so với cùng kỳ. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thì với doanh nghiệp dầu khí dù chịu tác động mạnh nhất bởi giá dầu giảm, các doanh nghiệp này vẫn duy trì hoạt động trả cổ tức cho cổ đông. Đặc biệt, mùa đại hội năm nay, cổ đông của nhiều công ty hân hoan khi khá nhiều đơn vị bất ngờ trả cổ tức cao kỷ lục.

Là đại gia đứng đầu ngành sữa, lợi nhuận 2015 tăng cao nên Vinamilk bất ngờ trình cổ đông kế hoạch dành 6.400 tỷ đồng chia cổ tức 60% trong năm 2015, tương đương 82% lợi nhuận sau thuế. Đây cũng là lần chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Trước đó, năm 2014, Vinamilk cũng trả cổ tức với tỷ lệ 40%, 2013 là 48% và 2012 là 38%. Năm nay, công ty dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Cổ tức đợt một năm 2016 sẽ được tạm ứng vào tháng 8-9 với tỷ lệ 40% và chi trả đợt 2 vào tháng 5-6/2017.

doanh-nghiep-dua-nhau-chia-co-tuc-ky-luc

Lần đầu tiên Vinamilk chia cổ tức ở mức 60%. 

Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, đơn vị này cũng trình kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 5:1. Số lượng cổ phần phát hành thêm phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại ngày đăng ký cuối cùng theo danh sách của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, nhưng không quá 241,9 triệu cổ phần.

Ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý III/2016. Đối với người lao động, công ty sẽ phát hành 9,4 triệu cổ phần theo chương trình ESOP với mục đích phát hành và bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho nhân viên của tập đoàn, mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần.

Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ, lần lượt tăng 11% và 6% so với 2015.

Cũng không hề kém cạnh Vinamilk, đại gia ngành thép - Tập đoàn Hoa Sen thông qua chia cổ tức 2015 với tỷ lệ 75%. Trong đó, đợt một công ty này sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương đương 2.500 đồng một cổ phiếu. Ngoài cổ tức đợt một bằng tiền, Hoa Sen Group cũng đã thông qua nghị quyết về việc triển khai phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 niên độ tài chính 2014-2015 với tỷ lệ 50%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 5 cổ phiếu mới. Tổng lượng cổ phiếu mới HSG phát hành để trả cổ tức khoảng 65,5 triệu đơn vị. Nguồn vốn phát hành lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2015. Đây cũng là đợt chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay của Hoa Sen.

Niên độ tài chính 2014-2015 của Hoa Sen đạt doanh thu 17.470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 651,2 tỷ, lần lượt tăng 16,4 và 58,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua là Tập đoàn Kinh Đô (Mã CK: KDC). Năm 2015 đơn vị này chia cổ tức lên đến 200% bằng tiền mặt. Đây cũng là lần chia cổ tức cao kỷ lục của đơn vị này từ khi lên sàn tới nay.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, sở dĩ công ty có lượng tiền lớn để chia cho cổ đông là vì vào năm 2015 đã hoàn thành thương vụ bán cổ phần tại Công ty Kinh Đô Bình Dương cho tập đoàn Mỹ với số tiền thu về được 7.846 tỷ đồng. Với 235 triệu cổ phiếu đang lưu hành, đơn vị này đã trích ra hơn 5.000 tỷ đồng để chia cho cổ đông. Hiện tại, Kinh Đô đang lấn sân sang mì gói và dầu ăn. Giai đoạn đầu công ty còn rất khó khăn, lợi nhuận thu được từ những mảng này chưa khả quan.

Bên cạnh các đại gia bất ngờ chia cổ tức cao thì tại sàn UpCOM cũng có rất nhiều công ty tuy vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ trả cổ tức thì ít doanh nghiệp lớn sánh bằng, thị giá của các cổ phiếu này cũng cao chót vót. 

Điển hình là Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), năm 2015 công ty này chia cổ tức lên đến 64%, tức 6.400 đồng một cổ phiếu, tương ứng tổng chi khoảng 51 tỷ đồng, chiếm 84% tổng lợi nhuận đạt được cả năm là 60,7 tỷ đồng. Đây cũng là mức chia kỷ lục nhất của doanh nghiệp này từ trước tới nay. Trước đó, năm 2014 công ty chia cổ tức ở mức 30%, 2013 là 36,5%.

Năm 2015, công ty phục vụ gần 6 triệu suất ăn cho hơn 20 hãng hàng không, trong đó, đa phần bán đồ ăn cho Vietnam Airlines và VietJet Air, mỗi tháng thu về 5 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 67% so với 2014 và đây là mức lãi lớn nhất từ trước tới nay.

Suất ăn hàng không Nội Bài có vốn điều lệ chưa đến 80 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường thời điểm này lên đến gần 600 tỷ đồng. Giá cổ phiếu này chốt ngày 11/5 ở mức 75.000 đồng một cổ phiếu.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (PSL) cũng khiến cổ đông sửng sốt khi lần đầu tiên chia cổ tức tới 100% trên vốn điều lệ, trong đó 50% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu. 

Năm 2015, công ty này đạt doanh thu 241 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 53,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị sổ sách trên cổ phiếu của đơn vị này là gần 45.000 đồng nhưng hiện thị giá lên với 80.000 đồng. Vốn hóa thị trường công ty đạt 360 tỷ.

Cùng với các nhóm cổ phiếu trên, thị trường cũng tiếp nhận hàng loạt cổ phiếu chia mức cao kỷ lục như Công ty cổ phần công viên nước Đầm Sen chi cổ tức tỷ lệ 90% (47% bằng tiền và 43% bằng cổ phiếu), Ôtô Trường Long chia cổ tức tỷ lệ 100% (50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu), Lâm nông sản Yên Bái (CAP), Safoco (SAF) lần lượt chia cổ tức ở mức 65% và 62%.

                                                                                                                           Nguồn:Vnexpress.net