Giới đầu tư tài chính toàn cầu thường dùng những từ như "thiên đường thuế" hay "thiên đường thuần khiết" để chỉ BVI và một số nơi khác trên thế giới - những nền kinh tế gần như xóa bỏ mọi loại thuế với người kinh doanh. Đây là điểm đến lý tưởng của các tập đoàn, công ty toàn cầu. Hiện BVI có hơn 850.000 doanh nghiệp, gấp nhiều lần dân số 28.000 người của quốc đảo Caribe này.
Các doanh nghiệp nêu trên đương nhiên không chỉ hoạt động ở BVI. Họ mang những số tiền khổng lồ đi đầu tư khắp thế giới và trong những năm qua, đã có nhiều tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) được đổ vào Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến cuối năm 2015, BVI nằm trong top 5 nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Cụ thể, BVI đã có 623 dự án đầu tư khắp các tỉnh thành, với tổng vốn lên tới 19,3 tỷ USD.
Các dự án lớn của các doanh nghiệp đến từ BVI như: Công ty TNHH Trung tâm thương mại Vinacapital với vốn đầu tư 325 triệu USD kinh doanh khu thương mại, khách sạn, văn phòng, dịch vụ khách sạn, bất động sản; Công ty TNHH GVD Việt Nam I đầu tư 300 triệu USD xây dựng, quản lý khu căn hộ và các dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ cho thuê xe, ăn ở; Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp tại TP HCM; Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, xây dựng và điều hành cụm rạp chiếu phim...
Các doanh nghiệp thành lập ở BVI đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... |
Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài còn cho biết, luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam không chỉ đến từ các công ty đăng ký thành lập tại Mỹ mà còn thông qua một số chi nhánh của họ hoạt động tại BVI như các trường hợp của Intel, Chevron, Procter & Gamble hay ConocoPhillips…
Ở lĩnh vực đầu tư gián tiếp trên sàn chứng khoán, quỹ đầu tư nổi danh của BVI ở Việt Nam phải kể đến là Dragon Capital. Được thành lập năm 1994 tại BVI, Dragon Capital là quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động lâu nhất tại Việt Nam với tổng tài sản khoảng 1,25 tỷ USD. Danh mục quản lý của quỹ gồm có cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, công nghệ sạch.
Tính đến 10/5, các khoản đầu tư lớn nhất của Dragon Capital là: 3.564 tỷ đồng tại Vinamilk, 1.143 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, 888 tỷ đồng tại Tập đoàn FPT, 1.131 tỷ đồng tại Công ty Chứng khoán TP HCM, 969 tỷ đồng tại Tập đoàn Hoà Phát, 1.880 tỷ đồng tại Tập đoàn Masan. Ngoài ra, quỹ còn nắm nhiều cổ phần tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn, REE, PNJ, Tập đoàn Hoa Sen, Đạm Phú Mỹ… Giám đốc Điều hành của quỹ hiện là ông Dominic Scriven.
Được thành lập vào năm 2006 tại British Virgin Islands thuộc vương quốc Anh, Vietnam Asset Managemet Limited (VAM) cũng là quỹ đầu tư lớn vào các công ty ngành dược, thực phẩm, đồ uống và công nghệ sinh học.
Ngoài ra, còn một số tổ chức tài chính tiêu biểu được thành lập từ thiên đường thuế đã rót tiền vào Việt Nam như: Indochina Capital Adviser, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd, Clear Water Capital Partner Singapore PTE…
Theo các tài liệu của Hồ sơ Panama, BVI đang dẫn đầu danh sách các thiên đường thuế với 113.648 công ty offshore (tức công ty được thành lập ở nước ngoài) do hãng luật Mossack Fonseca gây dựng. Trong khi cả Panama chỉ có gần 48.400 công ty. "Thiên đường thuế thuần khiết" này từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư thế giới. Thành lập công ty tại BVI rồi đầu tư sang các nước khác giờ đây đã trở thành xu hướng để các tập đoàn xuyên quốc gia tối ưu hoá chi phí.
Các công ty và nhà đầu tư sẽ không bị đánh thuế thu nhập trên lợi nhuận của việc chuyển nhượng cổ phần, cổ tức. Gần như 100% các loại thuế đều được bãi bỏ. Các tài sản thừa kế cũng không phải chịu thuế.
Đặc biệt, với các công ty thành lập ở BVI sau đó đem tiền đầu tư ra các nước khác và có lợi nhuận hàng tỷ đôla cũng không phải khai báo với các Chính phủ. Nghĩa vụ tài chính duy nhất của các công ty ở BVI là 350 USD chi phí thành lập và số tiền tương tự để duy trì hoạt động doanh nghiệp hằng năm. Thời gian thành lập có thể trong một ngày.
Cơ chế tài chính BVI áp dụng rất thông thoáng: không cần báo cáo tài chính, khai báo chủ sở hữu. Luật doanh nghiệp BVI năm 2004 cho phép thành lập doanh nghiệp với một cổ đông và một thành viên Hội đồng quản trị, công ty không cần có vốn pháp định, cổ phiếu không cần mệnh giá, không cần ban thư ký, không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về những thay đổi… Doanh nghiệp được tự do hoàn toàn khi hoạt động tại đây. Tính bảo mật thông tin của BVI khá cao.
Đó là lý do vì sao các công ty đăng ký thành lập tại BVI, đặc biệt là Mỹ, châu Âu… dù vẫn luôn giới thiệu ra bên ngoài là công ty của Mỹ hay Đức, Pháp… Chính vì những cơ chế tài chính thông thoáng nên BVI từng bị cáo buộc là thiên đường trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền, quỹ đen… của giới tài chính toàn cầu.
Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia trong lĩnh vực kế toán Luật doanh nghiệp cho biết, BVI cho phép các cổ đông có thể chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về đây mà không cần khai báo với cơ quan thuế. Vị này cho rằng Việt Nam phải cẩn trọng, quản lý chặt chẽ về mặt pháp lý và nghĩa vụ tài chính với các công ty có nguồn gốc từ BVI. Với cơ chế tài chính quá thông thoáng, nhiều doanh nghiệp có thể lợi dụng để trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền…
Vị này lấy ví dụ, một doanh nghiệp thành lập ở BVI sang Việt Nam đầu tư sản xuất nước ngọt. Công ty này vừa tìm được một khách hàng lớn mua hàng triệu thùng. Thay vì bán trực tiếp cho nhau và nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam thì doanh nghiệp này có thể bán số sản phẩm đó cho công ty con tại BVI, sau đó công ty con này sẽ trực tiếp bán sản phẩm cho bên đặt hợp đồng ban đầu với giá thoả thuận. Lúc đó, lợi nhuận thực của giao dịch sẽ nằm ở thiên đường thuế và cơ quan chức năng Việt Nam thất thu.
Cách doanh nghiệp lợi dụng chính sách của BVI để lách thuế tại Việt Nam hoặc quốc gia khác. Đồ họa: Tiến Thành |
Chuyên gia này cũng cho biết đã có nhiều công ty ma được thành lập ở BVI mạo danh các công ty nổi tiếng tại các nước để đi lừa đảo. Việt Nam từng có trường hợp doanh nghiệp BVI "bốc hơi" sau khi nhận hàng.
BVI là quần đảo thuộc nước Anh có GDP đạt hơn một tỷ USD trong đó chủ yếu là tài chính, du lịch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của BVI lên tới hơn 42.000 USD. Nhiều ngân hàng lớn như HSBC, Barrington Bank, First Bank Virgin Islands… cũng hiện diện tại đây.
Với Việt Nam, để quản lý và hạn chế những rủi ro tác động của các thiên đường thuế, Chính phủ đã ký kết nhiều hiệp định tránh đánh thuế hai lần với cùng một khoản thu nhập với các nước như Singapore, Mỹ, Pháp… Các loại thuế được cam kết không đánh hai lần gồm thuế thu nhập cá nhân, lợi tức, lợi nhuận ra nước ngoài, thu nhập với các nhà thầu… Tuy nhiên, việc đánh thuế một lần cũng không đủ sức hấp dẫn so với việc miễn hoàn toàn từ các thiên đường thuế.
( Nguồn:Vnexpress.net)